Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://www.hoianworldheritage.org.vn


Thông điệp Cù Lao Chàm

Trên các đảo là một hệ thống thực vật khá phong phú, đặc biệt có loài chim yến quý hiếm cư ngụ cùng nhiều loài động vật hoang dã. Là khu dự trữ sinh quyển thế giới, người dân trên đảo hiểu sâu sắc rằng, muốn tồn tại và phát triển thì phải theo phương châm: Lưng tựa vào núi, mắt hướng ra biển.

 

1 Cù Lao Chàm là quần đảo gồm 8 đảo nhỏ nối sát nhau, có những làng chài, bãi tắm thơ mộng… với trên dưới 3.000 dân. Dưới biển có nhiều ghềnh đá, nhiều dãy san hô với hàng trăm nghìn loài hải sản miền nhiệt đới. 

Trên các đảo là một hệ thống thực vật khá phong phú, đặc biệt có loài chim yến quý hiếm cư ngụ cùng nhiều loài động vật hoang dã. Là khu dự trữ sinh quyển thế giới, người dân trên đảo hiểu sâu sắc rằng, muốn tồn tại và phát triển thì phải theo phương châm: Lưng tựa vào núi, mắt hướng ra biển.

Dân không được đốn cây nhưng cho phép người dân được khai thác củi khô, khai thác nhánh cây để làm củi nấu. Ai khá thì nấu bếp ga, bếp than tổ ong. Bắt đầu thực hiện làm gương từ bếp ăn của bộ đội Tiểu đoàn 70 và Đồn Biên phòng 276. Sau đó là gia đình cán bộ đảng viên… Kèm theo đó là biên phòng kiểm tra gắt gao, không để lọt một bó củi vào đất liền.

alt
Ảnh: Minh Hải

Bao ny lông làm bẩn môi trường là chuyện của cả nước. Cù Lao Chàm trở thành tài sản của nhân loại, nên việc bảo vệ giữ gìn trước hết thuộc về người Cù Lao Chàm, người Hội An.

Sáng hôm sau mở cuộc phát động nhân dân đảo không dùng túi ny lông, làm sạch môi trường xã đảo, Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự cầm điện thoại a lô mời mấy nhà báo quen thân ra đảo uống cà phê. Đang bập bềnh trên sóng lấp lánh ánh bạc, dưới nắng mai chói mắt, một nhà báo hỏi:

- Kế hoạch răng anh?

- Lên đảo sẽ biết.

Sau khi hội ý chớp nhoáng với Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp, dân kéo tới đông. Bắt đầu cuộc họp, Nguyễn Sự nhắc lại những việc đã làm chính trong thời gian qua: Cả xã Tân Hiệp có 14 cái điện thoại, 4 cái cầu tiêu. Thực hiện quy hoạch, bà con ai có trên 80m2 đất thì ở lại tại chỗ. Ai có diện tích dưới 80m2 thì đi đến chỗ ở mới. San ủi một ngọn đồi ở Hòn Ông thành khu kinh tế mới, có hệ thống ống ngầm đưa nước ngọt từ suối nguồn về tận nhà, có đường giao thông tráng nhựa. Hỗ trợ mỗi hộ 1,2 triệu đồng làm cầu tiêu, đưa trước 600 nghìn, kiểm tra ai làm xong cầu tiêu trả đủ. Ai đi trước được thưởng. Ai đi sau, thưởng ít hơn. Ai đi sau cùng không thưởng đồng xu… Bà con được thưởng thức một đêm văn nghệ thả cửa. 100 hộ dân đồng tình di dời vào vị trí theo quy hoạch tổng thể Cù Lao Chàm.

Nguyễn Sự hỏi hơn 500 người dân Tân Hiệp dự họp:

alt

- Chuyện động trời đất là không lên núi đốn củi, đốt than phá rừng. Không xuống biển đánh bắt cá vô tội vạ. Và đặc biệt không phóng uế bậy, bà con ta làm được.Vậy, không dùng bao ny lông có làm được không?

- Làm được, nhưng lấy gì thay thế bao ny lông?  

- Hồi trước, các mẹ của chúng ta đi chợ, trên tay bưng cái rổ mà đựng nào mắm cái, cá chuồn, muối, cả bánh đúc… tất cả được đùm, gói, ngăn lại bằng những miếng lá chuối. Nay, thay cái rổ bằng cái giỏ, có thể gói bằng lá chuối, bằng giấy, báo cũ, mua mắm, mua cà phê thì dùng cái bát, cái chén, cái ly, mua nhiều có cái cà mèn. Không dùng túi ny lông vừa tránh độc hại, vừa góp phần làm sạch môi trường…

Sau một tiếng đồng hồ phát động và giải quyết những thắc mắc, Nguyễn Sự hỏi bà con:

- Có làm được không?

- Được! 

- Tôi hỏi lại một lần nữa, không dùng bao ny lông có làm được không?

Hơn năm trăm cánh tay giơ lên, kèm theo tiếng “được” thật to.

Nguyễn Sự tuyên bố: 

- Bắt đầu ngày mai đi chợ phải xách theo cái giỏ, ai mua mắm thì xách theo cái cà mèn. 

Nói dứt lời, tức thì những chiếc giỏ nhựa và cà mèn được tổ công tác đưa đến phát ngay cho bà con. Ai nhận tiền thì cấp tiền đủ mua hai thứ trên.  Tất cả thứ này nhờ các doanh nghiệp tài trợ, sẽ cấp không cho tất cả các hộ dân - cấp hiện vật hoặc cấp tiền.

Bà con hứa làm được, Nguyễn Sự thấy vui nhưng chưa thật yên tâm. Ngủ lại thêm một đêm trên đảo, sáng hôm sau đúng ngày ra quân toàn xã đảo, Nguyễn Sự thức dậy sớm, ra đầu chợ bên cầu tàu uống cà phê xem bà con đi chợ sáng, thấy ai đi chợ không xách cái giỏ thì xin mời về nhà lấy giỏ. Đi một vòng, phát hiện mấy chị bán nước mía đựng túi ny lông, Nguyễn Sự lệnh không cho bán nước mía nếu còn dùng túi ny lông. Nguyễn Sự ngồi hai ngày ở đầu chợ thấy có chuyển biến. Tuy nhiên, vẫn thấy số ít người còn lén lút dùng. Không thể ngồi mãi ngoài đảo mà… bỏ nhiệm vụ bí thư, Nguyễn Sự trao đổi với UBND xã Tân Hiệp lập một tổ thường xuyên kiểm tra, ai vi phạm thì phạt, ai chống lại thì báo vào đất liền, hoặc bảo họ vào gặp Nguyễn Sự. Trong quá trình thực hiện lời hứa, một số vấn đề nảy sinh được giải quyết ngay. Ví dụ, cho phép những thứ như mực khô, cá khô số lượng lớn, các hàng quán có thể dùng bao ny lông gói ghém đưa vào đất liền. Tuyệt nhiên không được gói bằng bao ny lông từ trong bờ gửi ra. Bà con thiếu vật liệu gói, họp Đoàn thanh niên vận động đất liền xin sách, báo cũ, giấy, gửi cho bà con xã đảo Tân Hiệp.

Song song với việc vận động “nói không”, xã tổ chức một tổ công tác thu gom bao ny lông. Mỗi sáng, anh em bơi thúng chai vớt bao ny lông trôi bồng bềnh tấp quanh bến cảng Tân Hiệp. Việc này có tác động tích cực, bà con hiểu lẽ nào cứ xài túi ny lông vô tôi vạ để chính con em mình nai lưng vớt! Đồng thời dùng phên tre ngăn không cho bao ny lông tấp vào bờ. “Công trình” này do doanh nghiệp tài trợ.

Nhân ngày Tết Đoan ngọ, biết thông lệ bà con ta cúng nhiều bánh ú tro, trái cây và xả rác cũng nhiều, nhất là dọc theo bờ biển, Nguyễn Sự dẫn một đoàn ra Cù Lao Chàm thăm và… cổ vũ động viên.

Hơn một năm, sau cuộc vận động và ra quân, không thấy một cái túi ny lông trôi trên cảng Tân Hiệp, ai cũng vui. Mỗi lần ra đảo, Nguyễn Sự đều vào thăm chợ. Thấy ông đi qua, hết chị này đến bà kia, người đưa giấy báo, người đưa lá chuối, lá môn, giỏ nhựa, người đưa cái cà mèn lên khoe như là có dịp báo công. Và ai cũng nở nụ cười thật thoải mái. Mấy cô, mấy chị trong chợ thấy ai, kể cả cán bộ, xài túi ny lông thì phê liền:

- Nè, tại răng bữa nay mà chú còn xách túi ny lông?

3 Mỗi người dân xã đảo có cách chào khác nhau. Thấy Nguyễn Sự, một cô gái gọi:

- Bác Sự ơi! Nay bác thấy biển sạch trơn có sướng không?

Một người khác thì chào, mắt nhìn ra biển:

-  Thấy “đã” không bác Sự!

Nguyễn Sự nheo mắt cười đáp lại tình cảm tin yêu của bà con. 

Tất cả, bằng một việc làm, dù nhỏ nhất, vì một môi trường xanh, sạch, đẹp!

Nguồn tin: www.zing.vn