Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://www.hoianworldheritage.org.vn


Sông Hoài - đời chèo ghe

Người cao nhất năm nay cũng đã ngoài 90, người trẻ cũng nằm trong độ tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng hết thảy họ đều đã có thâm niên mấy chục năm ròng rã với cuộc “hành trình” đánh bắt cá trên sông cùng cái duyên bén với nghề chèo ghe đưa rước khách du lịch trên dòng sông Hoài. Cái nghiệp không chỉ đem lại cuộc sống no đủ mà hình ảnh của những cụ ông, cụ bà hành nghề chèo ghe còn mang đến cho Du lịch Hội An một làn sinh khí mới trong công cuộc quảng bá hình ảnh du lịch đến bạn bè quốc tế.

Đến tham quan Hội An ắt hẳn du khách đã không còn lạ lẫm với những ông cụ, bà cụ râu tóc bạc phơ ngồi dưới những chiếc xuồng bé nhỏ, một tay cầm dầm, một tay vẫy vẫy, cùng nụ cười thường trực như không bao giờ thấy tắt mời chào du khách tham quan phố cổ ngay trên những chiếc ghe đậu đỗ trên dòng sông Hoài hiền hòa, thơ mộng.

Đêm đánh cá

Trời vừa hừng lên ánh bình mình, phía xa xa bên kia bờ sông Hoài, từng mũi nan nối đuôi nhau cập bến. Họ cười nói rôm rả, lời qua tiếng lại bàn tán về mẻ cá đêm qua mà họ đánh được trên dòng sông này. Tiếng cân đo đong đếm sản lượng thủy sản đánh được làm cả không gian phố cổ vốn tĩnh lặng bỗng trở nên ồn ào. Từ trên chùa cầu, quan sát về nơi đó, chúng tôi bắt gặp được hình ảnh của các “bô lão” hành nghề đánh bắt miệng tíu tít hỏi khách liên hồi, trên những chiếc xuồng nhỏ vớt những con cá đồng còn tươi rói, nhiều con còn vùng vẫy trên tay của người bán kẻ mua. 

Tiến lại gần hơn với “buổi chợ” sáng sớm, lên chiếc ghe bé nhất của một cụ bà năm nay chắc cũng chạc 80, chưa kịp cho chúng tôi đặt chân xuống xuồng, bằng giọng nói nằng nặng đậm chất Quảng, bà mời khách: “Vào mua cá đi cô chú, cá tươi và ngon lắm, mới đánh bắt đêm qua đó. Già cả rồi không thách giá đâu mà lo”. Chưa kịp đáp lời bà cụ, người lên kẻ xuống mua bán ngày một đông, thoáng chốc chỉ mươi phút đồng hồ, cả thúng đầy tôm cá của bà cụ đã hết nhẵn, chỉ còn vài con cá ngạnh nhỏ bà để dành cho bữa ăn trong ngày. Vừa rảnh tay, bà quơ vội chiếc khăn đang quàng trên cổ lau quệt lấy những giọt mồ đang còn lăn dài xuống đôi gò má, nói: “Đánh bắt suốt cả đêm ròng rã mới được ngần ấy đó cô chú, vất vả lắm, nhiều khi muốn chợp mắt tí nhưng sợ ngủ quên mai không có gì bán cho người ta. Đánh bắt thì lâu nhưng lúc vừa cập bờ, bán thoáng chốc là xong. Có người mua sỉ về bán lại, có người ra tận đây mua để được chọn cá tươi ngon, lại rẻ hơn ra chợ”.

Không riêng gì chiếc xuồng nhỏ bé của bà, có hơn 30 chiếc ghe đêm qua đánh bắt đã đồng loạt bán những cân cá cuối cùng. Rời chiếc “cần câu” đánh cá đêm qua, họ tản ra đi làm nhiều hướng. Hỏi một cụ ông đang lom khom thu dọn những mảnh lưới đang nằm rơi vãi, ông cụ cười tóm tém: “Họ về nhà ăn, gác lưng chặp họ lại ra chừ. Đánh bắt ban đêm chứ ban ngày làm gì có thời gian. Đa phần những người đánh bắt mà cô chú thấy họ neo đơn cả đấy. Ban ngày, họ túc trực ở đây để chèo ghe đưa đón khách, đêm về lại vác lưới ra quăng kiếm con tôm con cá cải thiện đời sống đó”. Nói xong, ông lụi hụi, cần mẫn cầm xấp tiền bán cá lúc nãy ra vừa đếm vừa tâm sự: “Nhìn bên ngoài thì thấy mua may bán đắt thế chứ thực chất thu nhập chẳng bao nhiêu đồng đâu. Như tôi cả đêm qua đánh chỉ được có vài cân cá rô, một ít cá lóc, tính ra chỉ được có năm ba chục nghìn thôi”. “Được cái khách đến Hội An tham quan, mỗi lần qua con sông này, nhiều ông Tây, bà Tây thấy thích thú bơi xuồng nên từ đó chúng tôi kiếm thêm nghề chèo ghe đưa khách tham quan phố cổ trên sông. Nhờ vậy mà mấy chục năm qua, chúng tôi mới trụ nổi ấy chứ” – ông nói tiếp.

Ngày chèo ghe đưa khách

8h sáng, một đoàn người từ bên An Hội lại đổ dồn về nơi họ vừa cập bến “giao thương” lúc sáng. Dường như họ quay lại với trạng thái phấn chấn, bỏ mặc sau lưng vẻ ủ rũ của một đêm thức trắng vì cái nghiệp đánh bắt. Giờ đây, họ quay lại tiếp nối cuộc “hành trình” đưa đón khách tham quan.Và chèo ghe đưa đón khách du lịch trên sông Hoài này từ lâu đã trở thành nghề mưu sinh của chính họ. Loại hình này đang thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Quan sát dọc bờ sông, có đến hàng chục chiếc ghe được trang bị áo phao neo đậu quanh khu vực dưới chân chùa Cầu sẵn sàng phục vụ du khách. “Khách Tây hay ta cũng vậy cả thôi, “chặt chém” họ mần chi mà mang tiếng. Ở đây tụi tôi tính giá theo quy định và được tính theo giờ (20 nghìn đồng/giờ/người). Du khách sẽ được người chèo ghe chèo theo ý mình hoặc có thể tự tay cầm dầm để xuôi mái”- bà Tăng Thị Nì, 70 tuổi, người có hơn 40 năm chèo ghe đưa khách trên sông, nói.

Và khi chúng tôi hỏi “Thế khách tới đây có đông không các cụ?”. “Thời điểm đông khách nhất là những đêm trăng rằm (có lễ hội hoa đăng trên sông – PV). Đa số người làm dịch vụ này đều đã bước sang tuổi 70 và đã có nhiều năm sống, chèo ghe đưa khách trên sông .Nghề này tôi làm đã hơn 30 năm nay, đưa đón không biết bao nhiêu khách Tây có, ta có. Và lần nào khách cũng vui vẻ, thoải mái. Tôi thấy phấn khởi vì dù sao cái nghề của mình cũng đem lại thú vui cho người khác” – cụ Nguyễn Em, 89 tuổi, người có thâm niên hơn 70 năm chèo ghe và có hơn 30 năm hành nghề chở khách tham quan trên sông, chia sẻ.

Bên cạnh việc đưa đón khách du lịch, những cụ ông cụ bà ở đây còn biết cách kết hợp quảng bá những sản vật dân gian, những món quà lưu niệm địa phương cho khách với những vật phẩm như đèn lồng, tò he… những quà lưu niệm đặc trưng của xứ Quảng.

Rời sông Hoài, chia tay những cụ ông cụ bà suốt mấy chục năm qua bám trụ với cái nghiệp trên sông vào một buổi chiều hoàng hôn đầy nắng, chúng tôi luôn tự ngẫm: Dường như cái nghiệp chèo ghe không chỉ đơn thuần giúp những cụ ông cụ bà nơi đây có cuộc sống no đủ mà ở một khía cạnh nào đó đã góp phần tạo nên một diện mạo du lịch đặc sắc cho phố cổ Hội An hàng trăm năm tuổi.

Tác giả bài viết: Thanh Ba

Nguồn tin: baodansinh.vn