Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://www.hoianworldheritage.org.vn


Phát huy ưu thế cộng đồng

Hỗ trợ nuôi tôm nước lợ theo đề án “Tam nông” (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) trên địa bàn Hội An đã cho những kết quả thiết thực trong thời gian gần đây.

 

Nông dân thuộc Tổ nuôi tôm cộng đồng Biền Lăng (thôn 8, Cẩm Thanh, TP.Hội An) đang tất bật với vụ 1 nuôi tôm nước lợ. Ông Nguyễn Viết Luyện - Tổ trưởng Tổ nuôi tôm cộng đồng Biền Lăng cho biết: “Từ năm 2009 đến nay, nhờ các chương trình hỗ trợ của thành phố, việc đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng của chúng tôi đã bài bản hơn, các tổ viên của tổ cộng đồng càng hăng hái sản xuất”. 

alt
Người nuôi tôm thẻ chân trắng ở Tổ nuôi tôm cộng đồng Biền Lăng tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất.          Ảnh: Q.V

Hiện nay, Tổ nuôi tôm cộng đồng Biền Lăng có 17 thành viên. Nhờ tự phối hợp sản xuất theo quy định sinh hoạt của tổ cộng đồng và sự hỗ trợ về chi phí mua giống, kiểm dịch con giống, cải tạo ao nuôi, trang thiết bị kỹ thuật… nên hiệu quả kinh tế của nghề nuôi tôm nước lợ không ngừng tăng lên. Ông Huỳnh Xuân Thanh (tổ viên Tổ nuôi tôm cộng đồng Biền Lăng) thả nuôi 8 sào tôm thẻ chân trắng, mỗi năm 2 vụ, gia đình ông thu được 250 triệu đồng. “Tích lũy kinh nghiệm sản xuất trong nhiều năm nay, gia đình chúng tôi biết phân bố tôm giống có mật độ thích hợp trong ao nuôi. Nhờ chính sách hỗ trợ thiết thực của địa phương, chúng tôi có điều kiện ứng dụng những kết quả khoa học - công nghệ trong sản xuất. Nhờ vậy, 2 vụ nuôi năm rồi đạt hiệu quả kinh tế đáng kể” - ông Huỳnh Xuân Thanh chia sẻ.

Hiện nay, TP. Hội An đã thành lập được 17 tổ nuôi tôm cộng đồng. Ở các tổ nuôi tôm cộng đồng phường Cẩm Châu, Cẩm Nam, Cửa Đại, xã Cẩm Hà… nông dân biết tận dụng những ưu thế về điều kiện tự nhiên cũng như sự khuyến khích sản xuất bằng các nguồn hỗ trợ để nâng cao sản lượng tôm nuôi. Ông Ngô Văn Tam (Tổ nuôi tôm cộng đồng xã Cẩm Hà) cho biết: “Trước đây, ít người nuôi chú tâm kiểm dịch con giống. Gia đình chúng tôi mua nguồn tôm giống trôi nổi trên thị trường nên tôm “dính” bệnh đốm trắng đã “lấy” đi của gia đình chúng tôi hơn 50 triệu đồng. Hiện nay do thấy được tầm quan trọng của chất lượng con giống và tiếp thu được những kỹ thuật nuôi tôm thẻ hiện đại từ các lớp tập huấn do Phòng Kinh tế Hội An tổ chức, việc nuôi tôm thẻ chân trắng của gia đình đã dần chuyên nghiệp”. Mỗi năm, sản xuất 10 sào tôm nước lợ, gia đình ông Tam thu được gần 150 triệu đồng.  

Thực hiện đề án “Tam nông”, trong 2 năm (2009-2010), từ nguồn ngân sách địa phương, Hội An đã chi gần 1 tỷ đồng để hỗ trợ chi phí mua con giống, kiểm dịch con giống, kiểm tra mẫu tôm, mẫu nước định kỳ; cải tạo ao nuôi; hỗ trợ trang thiết bị kỹ thuật, thông tin khoa học công nghệ; theo dõi các vùng nuôi; thực hiện các mô hình, đề tài ứng dụng sản xuất trong nuôi trồng thủy sản... tại phường Cẩm Châu, Cẩm Nam và xã Cẩm Thanh.

Ông Lê Đình Tường - Phó Trưởng phòng Kinh tế TP.Hội An cho biết, sau hơn 2 năm thực hiện, các chương trình hỗ trợ nuôi trồng thủy sản được áp dụng trên địa bàn thành phố theo đề án “Tam nông”, đặc biệt là nuôi tôm nước lợ đã tạo được chuyển biến rất lớn trong tập quán sản xuất của người dân địa phương. Cụ thể, nếu như trước đây, để giảm bớt chi phí, người dân đã tìm mua giống tôm giá rẻ, cải tạo ao nuôi chưa đúng quy trình kỹ thuật, không chú tâm kiểm soát mầm bệnh, tháo nước ra môi trường xung quanh khi tôm nhiễm bệnh thì nay, ý thức của người nuôi đã được nâng lên rõ rệt. Thay vì nuôi 3 vụ, để hạn chế rủi ro, người dân đã tuân thủ lịch thời vụ, chỉ nuôi 2 vụ trong năm. Việc kiểm dịch con giống, kiểm tra mẫu tôm, mẫu nước định kỳ đã được người dân thực hiện triệt để. “Nhờ áp dụng những tiến bộ khoa học vào thực tiễn, năng suất, sản lượng tôm nuôi đã nâng lên rõ rệt. Vấn đề ô nhiễm môi trường cũng được kiểm soát từ sự tự nguyện của người dân. Với những kết quả đó thì rõ ràng, việc khuyến khích sản xuất bằng nguồn hỗ trợ thiết thực của địa phương đã tạo nên sự chuyển biến lớn trong nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn thành phố” - ông Lê Đình Tường nói.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, trước đây do chưa nhận được sự hỗ trợ nào từ Nhà nước, nghề nuôi thủy sản nước lợ gặp rất khó khăn, nhất là tôm nuôi thường xuyên bị dịch bệnh, thất thoát do thiên tai... Bên cạnh đó, do khó khăn trong việc định hướng đối tượng nuôi, nguồn vốn đầu tư thấp, quy mô thả nuôi nhỏ, lẻ... nên hiệu quả kinh tế của nghề này chưa cao, chưa khuyến khích được nông dân. “Để ổn định lại việc nuôi thủy sản nói riêng, đẩy mạnh và thực hiện tốt các chương trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói chung, cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, thành phố rất chú trọng đầu tư trang thiết bị cần thiết cho nuôi tôm, kỹ thuật nuôi, cách quản lý môi trường… Bên cạnh đó, cùng với việc tổ chức sản xuất theo “nhóm”, việc hỗ trợ sản xuất trong nuôi thủy sản mà đối tượng chính là tôm thẻ chân trắng là hết sức cần thiết” - ông Dũng cho biết thêm.

Nguồn tin: www.zing.vn