Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://www.hoianworldheritage.org.vn


Nỗ lực khuyến công

Bên cạnh phát triển du lịch - dịch vụ, Hội An xem công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) là mũi nhọn thứ hai trong nền kinh tế thành phố. Mới đây, một cơ chế khuyến công đã được ban hành nhằm thu hút đầu tư, phát triển CN-TTCN theo hướng bền vững.

Tăng và giảm

Với nguồn vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng, trên 1.200 cơ sở sản xuất CN-TTCN tại Hội An đã giải quyết việc làm cho gần 7.000 lao động, trong đó có 3.500 lao động sản xuất trong các ngành nghề truyền thống và sản phẩm thủ công, mỹ nghệ. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, kinh tế ngoài quốc doanh giảm sút nghiêm trọng, trong đó Công ty TNHH Đông An là đơn vị chủ lực nhưng giá trị sản xuất chỉ đạt trên dưới 40% kế hoạch mỗi năm; riêng năm 2010 đạt 30 tỷ đồng, mới bằng 41% so với cùng kỳ và chỉ đạt 33,4% kế hoạch năm. Theo ông Trần Minh Trinh - Giám đốc Công ty TNHH Đông An, ngoài ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, thị trường biến động, giá nguyên liệu tăng cao và khan hiếm, hoạt động sản xuất giảm sút một phần cũng do khó khăn việc tìm nguồn vốn vay tín dụng để đầu tư sản xuất.

 

alt
Lao động chế biến thủy sản giảm dần.

Khảo sát mới đây của Phòng Kinh tế TP.Hội An cho thấy, các cơ sở sản xuất CN-TTCN tại địa phương phần lớn có quy mô nhỏ và cực nhỏ, phương án sản xuất thiếu tính khả thi nên các tổ chức tín dụng khó chấp nhận cho vay vốn triển khai các phương án, dự án. Năng lực tài chính của các nhà đầu tư trong cụm công nghiệp, làng nghề còn hạn chế, dẫn đến tình trạng chung là tiến độ đầu tư chậm trong nhiều năm.

Một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất TTCN, cụ thể là mộc điêu khắc chạm trỗ, thủ công mỹ nghệ tại Hội An đang mất dần thị trường tiêu thụ. Sức mua giảm, khách hàng lại có xu thế sử dụng hàng giá rẻ nên giá trị sản xuất của ngành liên tục không đạt kế hoạch năm. Trong đó, năm 2010 đạt 258,5 tỷ đồng, bằng 82,8% kế hoạch năm, giá trị xuất khẩu chỉ đạt 128 tỷ đồng, bằng 85% so với cùng kỳ và 69,3% so với kế hoạch năm. Theo ông Đỗ Đình Phô - Phó Trưởng phòng Kinh tế Hội An, sau 7 năm thực hiện cơ chế hỗ trợ phát triển theo Nghị quyết của HĐND (2005), số lượng cơ sở, doanh nghiệp sản xuất CN-TTCN tăng cao nhưng nhìn chung, thu nhập của ngành còn thấp, việc tuyển dụng lao động để đào tạo nghề còn khó khăn. Các cơ sở sản xuất cũng chưa quan tâm đứng mức đến công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, chuyển giao công nghệ. 

Điểm tựa

Năm năm qua, Hội An đã tranh thủ trên 15 tỷ đồng hỗ trợ đầu tư xây dựng mặt bằng và kết cấu hạ tầng các làng nghề truyền thống mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, rau Trà Quế và tre, dừa nước Cẩm Thanh; mở 13 lớp đào tạo, nâng cao tay nghề cho 224 lao động; hơn 100 lượt cán bộ, nhân viên các phòng ban, xã phường được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn; 38 cán bộ, chủ cơ sở sản xuất cũng tham gia 5 đợt tham quan, học tập mô hình sản xuất các sản phẩm mộc, gốm, cói, mây tre tại các làng nghề trong và ngoài tỉnh. Đến nay, công tác bồi thường hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư Cụm công nghiệp - đô thị - dịch vụ Thanh Hà đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 2 với kinh phí 12, 858 tỷ đồng. Thế nhưng, nguồn vốn  này là quá thấp, khiến cơ sở hạ tầng tại các cụm công nghiệp và làng nghề đầu tư chậm.    

 

alt
Sức mua hàng lưu niệm thấp.                                                     Ảnh: QUỐC HẢI

Để tiếp sức cho ngành CN-TTCN địa phương, đầu năm nay, UBND TP.Hội An ban hành “Quy định hỗ trợ, ưu đãi, khuyến khích đầu tư phát triển CN-TTCN” với những cơ chế hỗ trợ, ưu đãi cụ thể về vốn vay, mặt bằng, bồi thường thiệt hại, tái định cư, đầu tư xây dựng  hạ tầng, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, xác lập sở hữu công nghiệp... Theo đó, các tổ chức, cá nhân sản xuất phù hợp với quy định, khi vay vốn bổ sung vốn lưu động, đầu tư trung hạn, dài hạn được hỗ trợ lãi suất tín dụng 5%/năm (từ 1 - 3 năm). 

Ông Trương Văn Bay - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, đây là cơ chế hỗ trợ các đơn vị vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, tiếp tục đầu tư và cũng là cơ sở để tập trung phát triển ngành theo hướng sinh thái, bền vững. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.Hội An lần thứ XVI đã xác định CN-TTCN là mũi nhọn kinh tế thứ hai của Hội An sau du lịch - dịch vụ - thương mại. Để thực hiện điều đó, ngoài cơ chế hỗ trợ của Nhà nước, các ban ngành, xã phường cần quan tâm đúng mức công tác khuyến công; cộng đồng doanh nghiệp cũng phải tự nỗ lực giải quyết những “bài toán” về năng lực đầu tư, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và sự biến động của thị trường.

Tác giả bài viết: QUỐC HẢI

Nguồn tin: www.zing.vn