Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://www.hoianworldheritage.org.vn


Những con người quả cảm

Đội biệt động Hội An đã làm nên những kỳ tích trong công cuộc chống Mỹ cứu nước dưới sự hậu thuẫn, đồng lòng giữa quân và dân phố cổ…
Hậu phương vững chắc      

Trước 1975, Hội An là địa bàn then chốt của ngụy quyền Quảng Nam. Bọn chỉ huy đầu sỏ cùng đám tay sai đã tạo nên bộ máy đàn áp đồ sộ. Trước tình hình đó, đội biệt động Hội An được thành lập vào năm 1964 cử đồng chí Nguyễn Ngọc Mai làm đội trưởng, Đinh Văn Lời là đội phó nhằm đánh địch trong lòng thị xã tiêu diệt bọn chỉ huy, các tên ác ôn, đồng thời uy hiếp tinh thần địch, làm rối loạn hậu phương của chúng. Tháng 3 năm 1965, quân viễn chinh Mỹ nhảy vào miền Nam tham chiến, chiến tranh chuyển sang giai đoạn quyết liệt. Để đáp ứng tình hình mới, Thị ủy Hội An chỉ đạo đội tăng cường lực lượng, đổi tên là Đội biệt động nội thành, quân số gồm 25 đồng chí. “Sự chỉ đạo sâu sát của thị ủy, tinh thần gan dạ mưu trí của anh em trong đội là yếu tố quan trọng nhưng chúng tôi khó mà tung hoành được trong lòng địch nếu không có các cơ sở cách mạng trong nội thành như Lê Viết Cho, Hà Cát, Nguyễn Trí…, đặc biệt là ông Nguyễn Một”, cựu đội phó Đinh Văn Lời kể.

alt
Các cựu chiến binh đội biệt động Hội An trong một lần họp mặt.        Ảnh: D.HIỂN

Khi Mỹ đổ quân vào Hội An, nhu cầu xây dựng dinh thự, doanh trại ngày càng tăng. Vốn là người có tiếng trong lĩnh vực ấy, Nguyễn Một được bọn chúng giao thực hiện các công trình. Ra vào những chốn thâm nghiêm của địch, ông Một chỉ cần ngồi trong xe hơi đưa tay lên là bọn lính gác cho qua. Thế nhưng chúng không hề hay căn nhà số 70 Lê Lợi (nay là số 28 Lê Lợi, Hội An) lại là cứ điểm của đội biệt động Hội An. Ngay từ khi đội hình thành, Nguyễn Một đã được đồng chí Nguyễn Ngọc Mai giác ngộ và đi theo cách mạng. Ông đã biến xưởng mộc của mình tại số 70 Lê Lợi thành căn hầm bí mật để cất giấu tài liệu, truyền đơn, vũ khí để tiến hành đánh địch trong nội thị. 

Với vị trí của cứ điểm như vậy, hầu hết đội viên đội biệt động Hội An đều trở thành thợ mộc, thợ xây lành nghề của ông Nguyễn Một. Dựa vào vị thế thân quen với đám chóp bu ngụy ở Hội An do ông Một tạo ra nên họ hoạt động khá thuận lợi. Chiến công đầu của đội là đánh văn phòng của bọn cố vấn Mỹ. Trận đánh này bắt nguồn từ cơ hội ông Một được nhận sửa chữa trụ sở của tiểu khu Quảng Nam. Hai đồng chí Nguyễn Tám, Bùi Thanh Sơn đã khéo léo giấu thuốc nổ dưới mũ đội đầu lọt qua bốt gác suôn sẻ. Gần cuối giờ làm, hai người đưa quả mìn vào phòng tên cố vấn, bấm kíp nổ hẹn giờ rồi ra về an toàn. 11giờ trưa ngày 10.5.1967, một tiếng nổ vang rền tại tiểu khu đã giết chết 2 tên cố vấn Mỹ, 5 tên khác bị thương. Sau trận đánh, địch nghi ngờ, bắt 2 đồng chí Sơn và Tám, nhưng nhờ ông Một lo lót nên 2 ngày sau được thả. Vả lại do chúng tập trung hướng điều tra vào một người thợ điện hôm ấy tình cờ về muộn hơn…

Những trận đánh “lửa”

Chiến công nối tiếp chiến công, đội biệt động Hội An liên tục tổ chức những trận đánh táo bạo trong lòng thị xã. Tháng 6.1967, đội đã cải trang lính dù tấn công vào cơ quan tỉnh bộ Quốc dân đảng Quảng Nam tại phường Sơn Phong diệt hàng chục tên, trong đó có 3 tên đầu sỏ. Riêng tên Bùi Quang Soạn (Bí thư tỉnh bộ) bị thương nặng, trên đường đưa vào Sài Gòn cứu chữa đã chết tại phi trường Tân Sơn Nhất. Ngày 5.7.1967, đội tổ chức tiếp một trận đánh tại ngã tư Nguyễn Trường Tộ - Thái Phiên. 10 giờ sáng hôm ấy, một tổ biệt động chia làm 3 mũi cùng lúc ném lựu đạn vào đồn quân cảnh tư pháp, diệt gọn 1 tiểu đội trong đó có 2 tên ác ôn và một tên cảnh sát đặc biệt. 

Trong suốt cuộc chiến, kể cả những người hy sinh ngoài chiến trường và trong lao tù, đội biệt động Hội An có 12 liệt sĩ, 17 người được công nhận thương binh. Hằng năm vào ngày 30.4, các cựu chiến sĩ biệt động Hội An thường tổ chức họp mặt truyền thống trên địa bàn Quảng Nam, Đà Nẵng và hiện đội còn 18 người.

Càng đánh càng trưởng thành và dày dạn kinh nghiệm, đội có thêm nhiều trận đánh lớn, hiệu suất chiến đấu cao, tiêu biểu là trận ngày 23.7.1967 tại ngã tư Lê Lợi - Phan Chu Trinh. Với trận ấy, họ đã phá hủy 1 xe quân sự, 1 xe tuyên truyền tâm lý chiến, phá hỏng nặng 2 xe bọc thép; tiêu diệt, làm bị thương 12 tên địch.

Xuân Mậu Thân 1968, phối hợp với đòn tiến công của các lực lượng bên ngoài, đội biệt động Hội An cũng đánh một số nơi, trừng trị nhiều tên ác ôn, nổi bật là diệt đoàn cán bộ bình định tại số nhà 43 Lê Lợi (sau này là hiệu sách Thống Nhất). Tuy nhiên, các hoạt động táo bạo của đội khiến bọn địch cũng sinh nghi, cài chỉ điểm vào xưởng mộc ông Nguyễn Một nhưng chưa phát hiện được gì. Bị đòn đau vì cuộc tấn công Mậu Thân, địch đánh phá ráo riết. Tại Trà Quế, chúng khui được hầm bí mật và giết đồng chí Phó Bí thư Thị ủy cùng Trưởng ban an ninh thị xã, thu được nhiều tài liệu quan trọng. Từ nguồn tài liệu này chúng lần ra manh mối, bắt giam Đinh Văn Lời, Nguyễn Công Thành và 2 đồng chí khác.

“Để đánh lạc hướng địch, chúng tôi thường dùng lựu đạn M26 của Mỹ. Trước khi ném, chúng tôi dùng dây buộc mỏ vịt vào quả lựu đạn nên khi bung ra nó cũng bay theo quả lựu đạn và cũng bị phá hủy luôn khi lựu đạn nổ, không để lại dấu vết loại vũ khí ấy. Trong khi đó, chúng tôi lại ném các chuôi đạn cối đã chuẩn bị sẵn vào khu vực nổ khiến địch tưởng lầm rằng Việt cộng pháo kích”.
(Ông Nguyễn Công Thành, nguyên Đội phó Đội biệt động Hội An)

Trong khi đó, lại thêm một trận đánh tiếp theo đã nổ ra  tại chùa Lễ Nghĩa . Thực hiện chiến dịch X2 theo chủ trương chung trên chiến trường Quảng Nam, đêm ngày 4.5.1968, đại đội 2 thuộc thị đội Hội An cải trang lính trung đoàn 51 đột nhập nội thị để tiến công. Đồng chí Tống Văn Sương, Đỗ Trọng Hường được một số đội viên biệt động đưa đến chùa Lễ Nghĩa. Bị địch phát hiện, các đồng chí liền đánh phủ đầu tiêu diệt một số tên. Các sắc lính ở Hội An liền tập trung đến vây chặt. Tuy nhiên dựa vào 27 kết lựu đạn M26 mà đội biệt động cất giấu trước tại nhà ông Hà gần chùa, các đồng chí đã chống trả quyết liệt đến 5 giờ sáng hôm sau, đánh lui cả các đợt tấn công của địch, diệt hàng chục tên, trong đó có tên phó ty cảnh sát và trưởng đoàn bình định tỉnh Quảng Nam.  Hai đồng chí Tống Văn Sương, Đỗ Trọng Hường hy sinh tại trận và sau này đã được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân…

Trận đánh làm chấn động cả Hội An. Bọn địch điên tiết quyết tâm bắt cho kỳ được “Việt cộng nằm vùng” trong nội thị. Đêm 4.5.1968, địch ra lệnh thiết quân luật toàn thị xã và bao vây bắt hầu hết đội biệt động. Chúng băm nát cơ sở mộc của ông Một, lấy được một số vũ khí. Địch dùng mọi cực hình tra tấn nhưng các anh chị trong đội vẫn kiên cường chịu đựng không khai báo cơ sở còn lại. Nữ giao liên Huỳnh Thị Phương dù bị tra tấn đến chết vẫn nêu cao khí tiết cách mạng, động viên dặn dò đồng đội hãy tin tưởng ở ngày toàn thắng. Cuối cùng địch đã đưa phần lớn các đội viên biệt động Hội An ra “địa ngục trần gian” Côn Đảo. Riêng ông Nguyễn Một, chúng kết án 2 năm tù treo, mãn hạn tù ông đưa gia đình vào Sài Gòn sinh sống

Những trận đánh “lửa” với nhiều chiến công và cả hy sinh mất mát của đội biệt động Hội An vẫn còn sống mãi trong lòng những người dân nơi đây.

Tác giả bài viết: DUY HIỂN

Nguồn tin: www.zing.vn