Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://www.hoianworldheritage.org.vn


Người nghệ nhân già và những điều trăn trở

Năm nay đã hơn 80 tuổi, sở hữu xưởng gốm thuộc hạng nhất nhì của làng, cụ Lê Thị Chiến là một trong số ít những người theo nghề gốm truyền thống của cha ông có từ thế kỉ 15…

 

Từ nội thành thành phố Hội An, men theo tuyến đường ven sông Thu Bồn hiền hòa, chúng tôi tìm đến nhà cụ Lê Thị Chiến, nghệ nhân độc nhất còn sống ở làng gốm Thanh Hà, phường Thanh Hà (Hội An, Quảng Nam), nằm cách thành phố chừng 3km về phía tây.

Sinh ra và và lớn lên ở vùng đất nổi tiếng nghề “đất sét bàn xoay”, cũng giống như bao người trong làng khác, cụ Chiến vẫn theo nghề của cha ông truyền lại bao đời, vẫn bám đất, sống nhờ vào đất để tạo nên những sản phẩm gốm bắt mắt cung ứng cho thị trường.

Nay đã ở tuổi 80 song nghệ nhân Lê Thị Chiến vẫn rất say nghề.

“Mặc dù qua bao năm bám trụ với nghề, cống hiến cho nghề nhưng dường như làng gốm đã không còn giữ được chỗ đứng như xưa, nhiều gia đình trong làng bắt đầu chuyển sang nghề khác kiếm sống, chỉ còn vài ba hộ còn trụ lại”, cụ Chiến bùi ngùi nhắc đến nghề gia truyền của làng. Và ngay cả chồng cụ và bốn người con của cụ cũng không ai theo nghề gia truyền, cả xưởng gốm đều do một tay người nghệ nhân này gánh vác.

Cụ Chiến bảo cũng không biết rõ mình đã làm nghề này được bao nhiêu năm, chỉ nhớ sinh ra đã theo cha nặn đất, cuốn bàn xoay. Dần dần bàn tay khéo léo của cụ tạo nên những chiếc lọ hoa, bình trà, bình rượu…và cả những con vật như trâu, bò, lợn...

“Nghề này chẳng ai ngồi cầm tay chỉ việc mà tự mình phải học, phải tìm tòi, đúc kết rút kinh nghiệm rồi mới thông thạo được. Nếu không có tính kiên trì thì không bao giờ làm gốm giỏi. Giờ đây nghề gốm của làng ngày càng đi xuống vì không mấy ai còn mặn mà với cái nghề “đất sét lò nung nữa”. Lũ trẻ làng này lớn lên không ra biển mưu sinh thì cũng lập nghiệp phương xa nên tôi cũng sợ nghề sẽ thất truyền”, cụ Chiến than thở.

Nhìn cụ thoăn thoắt nhào nặn, khéo léo tạo hình sản phẩm của cụ, chúng tôi ai nấy đều tấm tắc khen bàn tay tài hoa của người nghệ nhân già. Cũng nhờ bàn tay tài hoa, khéo léo ấy mà cụ Chiến được chủ tịch tỉnh trao bằng chứng nhận nghệ nhân vào năm 2010.

Chia tay người nghệ nhân già của làng gốm, chúng tôi hiểu cụ vẫn còn trăn trở rất nhiều. Nỗi niềm trăn trở ấy không phải cho cá nhân cụ hay gia đình cụ, mà nó xuất phát từ sự yêu nghề, lo cho cái nghiệp của tổ tiên không có hậu nhân để truyền nghề lại.

Tác giả bài viết: Thanh Ba

Nguồn tin: thethaovanhoa.vn