Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://www.hoianworldheritage.org.vn


Nghề chỉ có ở đêm phố Hội

“Trời về khuya mỗi lúc càng lạnh hơn. Gió sông Hoài thổi vào mang theo những thổn thức thoảng vào hồn người. Những “chính khách” lưu lại làm đêm thêm ấm nồng. Trẻ nhỏ, người già vẫn ngồi đấy hiu hắt trong tiếng tò he đất “te te”, trong ánh đèn lồng rực sáng không gian phố Hội. Trong đêm vắng, thân già, trẻ nhỏ vẫn cần mẫn mưu sinh. Bóng người thưa thớt trong sương khuya.
Ði trước, về sau dường như là “lối mòn” trên con đường” – anh Lê Phú Ðức (30 tuổi), một du khách đến từ Hà Nội viết trong nhật ký hành trình của mình về sự cảm nhận những hình ảnh mưu sinh nhọc nhằn của nghề bán tò he đất của các cụ già, nghề bán hoa đăng của các em nhỏ trong sự đồng cảm. Và theo anh cho rằng, đó là bức tranh gam màu ký ức thời gian về đêm của phố Hội. Và phố Hội sẽ mất đi nếu một khi những hình ảnh này bị “xóa sổ”!
 
Khác với cuộc sống mưu sinh tất bật và khẩn trương về đêm ở nhiều phố thị, phố cổ Hội An (Quảng Nam) lại trầm mặc và cổ kính trong cách sống, cách nghĩ và cả cách làm.

Đêm xuống, đi dọc bên bờ sông Hoài, khung cảnh cặm cụi mưu sinh hiện lên thật cảm động đến ứa nước mắt. Đó là hình ảnh thân già lụm khụm trong từng nia tò he đất, dáng dấp liêu xiêu, bập chập của trẻ nhỏ trong ánh đèn hoa đăng lung linh, huyền ảo. Về đêm, cuộc sống mưu sinh của người già, trẻ nhỏ trong lòng phố Hội vẫn bình lặng vốn thế… Và thường nhật đêm qua đêm.

Đêm đến, hình ảnh trẻ nhỏ với ánh đèn hoa đăng lung linh không còn lạ với phố Hội.

Tò he đất

Không biết đã bao lần đến với Hội An về đêm và cũng không nhớ đã bao nhiêu dịp bắt gặp hình ảnh của những bà cụ bán tò he đất, trẻ em bán đèn hoa đăng trên những dãy phố đông đúc rực đỏ ánh đèn lồng lõm bõm đôi ba tiếng tây bồi lắp bắp, khô cứng. Nhìn các cụ, em nhỏ đội sương khuya giữa phố đêm, lòng chợt thấy nhoi nhói.

Không xô bồ, hối hả và ồn ào, chút phố cổ hồn nhiên, chất phác, bình yên lại hiện hữu trong từng ánh mắt, cử chỉ, hành vi, lời nói. Giữa sương đêm lạnh buốt, các cụ, các em thi nhau bập bẹ vài tiếng tây chào hàng vồn vã. Các cụ miệng vừa nói, tay vừa cầm những con tò he đất rung rung, rồi thổi “te te!” để cho khách qua đường cảm nhận, ghé lại.

Cụ Đặng Thị Nhánh năm nay đã ngoài 80 tuổi, vừa móm mém nhai trầu, vừa trò chuyện: “Siêng thì cứ hằng đêm, kiếm nhiều lắm cũng chỉ được chưa đến 50.000 đồng là cùng. Nhưng cũng còn trông đợi vào vận số hên xui. Nhiều bữa xách giỏ nguyên đem về, không bán được đồng nào. Nghề này cũng ba cọc ba đồng chẳng nuôi sống nổi ai. Thành ra, chỉ có người già và trẻ nhỏ ra phố bán kiếm thêm về đêm”.

Cụ Nhánh còn cho biết thêm, giá mỗi chú tò he rất bèo, chỉ từ 2.000 – 3.000 đồng đã có ngay trong tay 1 chú tò he thổi chơi. “Vì già này đã gắn bó với nghề này từ mấy chục năm nay nên nhiều khi nghỉ bán một đêm cũng thấy thiếu, thấy buồn. Vì vậy, cứ đến đêm, nếu không đau ốm thì ra đây ngồi đến 11-12h khuya mới về” – cụ Nhánh tâm sự.

Nói chưa dứt lời, cụ Đặng Thị Ớt (80 tuổi, em gái cụ Nhánh) vừa cười tếu vừa thoăn thoắt rung những chú tò he trên que. Cụ dõng dạc nói trong niềm vui: “Chị em tui là một trong số những người bán tò he đất đầu tiên ở con phố này. Bán ở đây vừa kiếm tiền lại vừa tìm niềm vui trong cuộc sống. Nghe tiếng thổi của tò he đất phát ra như gieo vào lòng phố khuya những âm thanh rất riêng và cũng rất lạ, như một phần máu thịt”.

Thư giãn bằng vài miếng trầu nhai móm mém.

Nến thả hoa đăng

Cách đó không xa, những em bé ngồi lọt thỏm giữa ánh đèn hoa đăng. Vừa ngồi các em vừa đang cố rêu rao mời khách qua đường bằng những từ tiếng Anh “đặc”, ngọng ngịu, chớt chớt, lơ lớ mà chúng mới học được từ các chú xe ôm hay các cô, các chị bán quầy hàng lưu niệm. Tuổi các em chỉ nhích chưa lên 10 nhưng nhiều em nói tiếng Anh rất sõi, trôi chảy. Khách tây như cảm thấy hài lòng về cách thức mời của các em.
 
Tay nâng ngọn đèn hoa đăng, ánh mắt nhìn vào du khách, miệng thưa thớt bằng những từ tiếng Anh rất ngắn gọn, cô đọng. Nào là “Hello!”, “Thanks!”, “Sorry!”,  “How much!”, “Goodbye!”, “See you again!”, “See you later!”, “one dollar!”… là những từ ngữ khá thông dụng, được các em sử dụng như là câu nói cửa miệng.
 
Ghé qua và nán lại những dãy phố, chúng tôi thật sự thán phục bởi tài nghệ ăn nói ngoại ngữ “có một không hai” của các em. Một em bé tuổi chỉ mới lên 6 nhưng cũng luyện mời khách bằng những câu nói còn bỡ ngỡ, sè sẹ. Em ngồi trong tư thế “thiền”, luôn nở nụ cười tươi, mời khách chỉ bằng vài câu nói dễ thương.
 
Khách ghé lại, nếu là khách tây thì em bập bẹ vài câu mời hàng, vừa chỉ tay vào ngọn đèn hoa đăng vừa buột miệng: “one dollar!” và sau đó đưa ánh mắt dõi theo từng cử chỉ, ánh mắt của khách. Trong trường hợp khách ngồi lâu thì em nói thêm những từ tiếng bồi đại loại như “Wonderfull!”, “fire!”… Nếu là khách tinh ý sẽ nhận ra là em đang giới thiệu về cái hoa đăng. Đa số khách sau khi ghé lại đều chọn mua cho mình một ngọn đèn hoa đăng để du thuyền thả trên sông Hoài.

Nhiều đêm vắng khách, các em thay vì ngồi một chỗ lại mang từng chiếc đèn hoa đăng đi đứng dọc đường mời khách qua lại. Không chèo kéo, không bám níu, hễ có khách đi qua, các em thưa mời rất lịch sự. Nhiều khách tây dù đã đi qua nhưng khi nghe tiếng các em cũng cố ngoảnh lại nhìn, đôi khi còn mua ủng hộ cho các em. Khách mua xong, các em không quên nói “thanhks!” trong niềm vui đã bán được hàng. Cứ như thế, vốn tiếng Anh của các em được bồi đắp qua hằng đêm mời khách.

Khách tây cũng cảm thấy hài lòng khi mua được những ngọn đèn hoa đăng.

5.000 đồng/1 ngọn đèn hoa đăng, trung bình mỗi đêm các em cũng bán được từ 4 - 5 cái. Nhiều đêm rằm, con số không dừng lại ở đó mà tăng gấp 2 - 3 lần.

Chị Nguyễn Thị Thu (37 tuổi, sống ở phường Cẩm Châu, TP. Hội An) bộc bạch: “Vì điều kiện gia đình nên hằng đêm 2 mẹ con chúng tôi phải ra phố từ rất sớm và về khuya lơ khuya lắt. Tôi thì bán hàng chè, còn cháu bán hoa đăng. Cháu biết đến việc bán hoa đăng phố Hội cũng được gần 5 năm rồi. Không ai dạy cho cháu nói tiếng Anh nhưng cháu lại nói rất giỏi, còn hơn cả tôi gần 20 năm trụ nghề. Ban ngày đi học, đêm lại ra chợ mưu sinh cùng mẹ. Không biết khi nào mới thoát cái… khổ”.

Ngày qua ngày, bình lặng trên phố, dáng già liêu xiêu ngồi chờ, đợi, bóng trẻ thấp thoáng, đứng ngóng vào du khách trong niềm hy vọng một ngày mua may bán đắt. Đêm phố Hội cũng đang dần mất đi những hình ảnh bình dị này. Rồi mai đây, hồn phố Hội sẽ mất nếu thiếu những hình ảnh này…

Và cứ như thế, nghề bán tò he đất, bán đèn hoa đăng làm nên một hồn phố cổ Hội An yên bình, mến khách và khác biệt trong lòng du khách.        

 

Tác giả bài viết: Dương Văn Út

Nguồn tin: www.nhandan.com.vn