Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://www.hoianworldheritage.org.vn


Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm: Song hành bảo tồn và sinh kế

Hội thảo đánh giá giữa kỳ kế hoạch quản lý tổng hợp Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm và kết thúc Hợp phần sinh kế bền vững bên trong và xung quanh Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (LMPA) được tổ chức vào ngày 22.9, đã đặt ra nhiều vấn đề về công tác bảo tồn và phát triển sinh kế cộng đồng cho người dân xã đảo Tân Hiệp (TP. Hội An).
alt
Phát triển dịch vụ du lịch ở Cù Lao Chàm. Ảnh: T.MINH

Chuyển biến

Hợp phần LMPA đã tạo nên những chuyển biến rõ nét trong cơ cấu kinh tế ở Cù Lao Chàm. Nếu như năm 2006, Tân Hiệp có đến 82% người dân sinh sống bằng nghề đi biển thì đến năm 2011, con số này đã giảm xuống còn 40%. Khi lực lượng khai thác thủy sản giảm xuống thì tỷ lệ lao động trong các ngành khác tăng lên. Cụ thể, ngành du lịch, dịch vụ: tăng từ 6 lên 12%; viên chức: tăng từ 2 lên 7%, sản xuất nhỏ: từ 0,3 lên 6%... Khi cơ cấu lao động được chuyển biến, hiệu quả kinh tế của hoạt động tăng lên là điều tất nhiên. Ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp cho biết: “Nhờ được hỗ trợ và đào tạo các nghề mới như chế biến hải sản khô, lái tàu du lịch, nhà lưu trú, trồng rau, chế biến nước mắm… hiệu quả kinh tế mà người dân thu được đã nâng lên rõ rệt. Sau 5 năm hưởng lợi từ hợp phần LMPA, đời sống của người dân xã đảo ngày một cải thiện hơn”.

Cần tiếp tục xây dựng các hoạt động hỗ trợ sinh kế

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đối với kế hoạch quản lý tổng hợp Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm giai đoạn 2011 – 2013, cần bổ sung các hoạt động như: nhật ký khai thác thủy sản, giám sát đa dạng sinh học  nhằm kịp thời phát hiện và đưa ra các giải pháp phòng ngừa, bảo vệ phù hợp; Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cần chủ động và phối hợp với các ban, ngành để xây dựng các hoạt động hỗ trợ sinh kế nhằm giúp cộng đồng tiếp tục ổn định đời sống, giảm áp lực khai thác trong phạm vi bảo tồn biển. Thời gian tới, các sở ban ngành trong khuôn khổ hoạt động của đơn vị mình, nhất là các hoạt động về bảo vệ môi trường, xây dựng mô hình sinh kế thì cần quan tâm đến cộng đồng ngư dân Cù Lao Chàm để có giải pháp hỗ trợ phù hợp”.

Cùng với những chuyển biến về kinh tế, môi trường sinh thái của Tân Hiệp cũng được cải thiện rõ ràng. Nhờ các hoạt động hỗ trợ sinh kế của hợp phần LMPA, áp lực khai thác thủy sản gây tác động xấu trên các vùng rạn san hô đã giảm. Bên cạnh đó, bằng cách chuyển phương tiện hành nghề khai thác thủy sản sang làm du lịch, hệ sinh thái đa dạng của Cù Lao Chàm cũng đã được bảo vệ tốt hơn. Ngoài ra, nếu như năm 2005, rác thải là vấn đề bức xúc của địa phương thì đến nay vấn đề này đã được giải quyết khá tốt. “Trong khuôn khổ hỗ trợ của hợp phần LMPA, các chương trình cải thiện môi trường, bảo vệ sự đa dạng của hệ sinh thái trên phạm vi toàn xã Tân Hiệp đã mang lại một số kết quả quan trọng như giải quyết được cơ bản vấn đề rác thải, trả lại một môi trường trong sạch và đảm bảo đa dạng sinh thái cho Cù Lao Chàm. Bên cạnh đó, ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng địa phương được nâng cao, sự quan tâm của chính quyền xã Tân Hiệp và các bên liên quan cũng tốt hơn rất nhiều” - bà Trần Thị Hồng Thúy, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết. 

Định hướng lâu dài

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, hiện tại doanh thu từ các hoạt động du lịch tại Cù Lao Chàm ngày một gia tăng và chiếm tỷ trọng hơn 30% tổng doanh thu của các hoạt động kinh tế tại địa phương. Tuy nhiên, điều đáng nói là phần lớn doanh thu du lịch này dựa trên các nguồn sản phẩm khai thác tự nhiên từ biển và rừng. Hai nguồn tài nguyên này tuy phong phú về chủng loại nhưng lại hạn chế về số lượng. Vì vậy trong tương lai, Cù Lao Chàm cần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, phong phú lợi ích du lịch cho cộng đồng thì mới đảm bảo được tính bền vững trong sự phát triển kinh tế địa phương, gắn liền với bảo tồn. Theo ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, trong quá trình làm bảo tồn, cộng đồng Cù Lao Chàm đã nhận được lợi ích từ du lịch sinh thái phát triển trên nền tảng của bảo tồn. Tuy nhiên người dân địa phương trong Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm mới chỉ nhận được khoảng 1/3 tổng giá trị đó, phần còn lại là thuộc về người ngoài khu bảo tồn.

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, những năm qua, nguồn nước lũ phát tán từ sông Thu Bồn đã và đang đe dọa đến sự tồn tại và phát triển của tài nguyên đa dạng sinh học trong Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Việc quản lý ở phạm vi của khu bảo tồn đang gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, trong vấn đề quản lý hiện nay, đòi hỏi cần phải được nhìn nhận và tiếp cận theo quan điểm quản lý tổng hợp vùng bờ một cách tổng thể nhằm hạn chế các tác động từ đất liền hoặc các vùng lân cận đối với Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. PGS-TS. Nguyễn Chu Hồi - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam đề xuất: “Với sự gia tăng tần suất và phạm vi ảnh hưởng của các tác động, việc thiết lập các trạm và tiến hành quan trắc chất lượng môi trường nước theo 2 mùa (mùa khô và mùa mưa) tại khu vực Cù Lao Chàm nhằm theo dõi diễn biến, đồng thời cảnh báo các tác động tiềm tàng từ đất liền đối với tài nguyên đa dạng sinh học ở đây là điều cần thiết và mang ý nghĩa thiết thực”,.

Có khá nhiều ý kiến quan tâm đến việc mở rộng phạm vi bảo tồn biển vào trong vùng bờ mà cụ thể là vùng cửa sông Thu Bồn và dọc theo đường bờ biển của Quảng Nam. Theo ông Phạm Viết Tích, Phó Giám đốc Sở KH- CN, việc này cần được hỗ trợ bằng các kết quả nghiên cứu, đánh giá về bảo tồn biển. “Hiện tại, chất lượng nước của khu bảo tồn biển đang bị ảnh hưởng bởi nguồn thải trong đất liền mà cụ thể là từ vùng cửa sông Thu Bồn. Sự mở rộng phạm vi của bảo tồn biển vào cửa sông sẽ có điều kiện tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường giảm thiểu chất thải, phục hồi rừng dừa nước Cẩm Thanh là điều cần thiết. Đồng thời liên kết trong việc bảo vệ nguồn lợi biển và san hô từ xa thông quan nâng cao nhận thức cho việc khai thác đánh bắt một cách hợp lý tại Cù Lao Chàm cũng quan trọng không kém” - ông Tích nói.

Tác giả bài viết: NGUYỄN QUANG VIỆT

Nguồn tin: www.zing.vn