Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

http://www.hoianworldheritage.org.vn


Hội An - tác phẩm sống của Nguyễn Sự

Ngạc nhiên lớn nhất của Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh lần 5 đến từ ông Nguyễn Sự, bí thư Thành ủy Hội An. Lần đầu tiên một quan chức cấp thành phố được trao giải Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục.
Nhà văn Nguyên Ngọc phát biểu tại lễ công bố Giải thưởng Phan Châu Trinh lần 5 - Ảnh: L.Điền

 

Nhà văn Nguyên Ngọc - chủ tịch hội đồng khoa học Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh - đã trò chuyện vớiTuổi Trẻ về sự kiện “bất thường” này.

Phẩm giá làm nên thương hiệu

* Chọn ông Nguyễn Sự, một vị quan chức, không có tác phẩm cụ thể, chứ không phải một nhà văn hóa như thường lệ, để trao giải thưởng, hẳn Quỹ Phan Châu Trinh muốn khẳng định thêm một cách hiểu về văn hóa?

- Với một vị quan chức như Nguyễn Sự, “tác phẩm” của anh chính là toàn bộ không gian và con người Hội An, một tác phẩm đang sống, đang thở mỗi ngày, liên tục đổi thay, liên tục đóng góp những giá trị tinh thần cho đời sống hôm nay.

Từ một người lính, trải qua nhiều công việc khác nhau, với tư cách là người đứng đầu một thị xã, đô thị cấp huyện, rồi thành phố... suốt 20 năm gắn bó với từng nhịp thở của đô thị cổ, nỗ lực của anh chính là giữ cho được bản sắc của một vùng đất, với những con người đầy bản lĩnh, vừa luôn là mình, vừa hội nhập. Có thể vẻ đẹp tinh túy của Hội An bắt đầu ở chỗ đây chính là nơi giao lưu kinh tế, văn hóa với quốc tế sớm nhất của Việt Nam.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, rồi suốt 20 năm qua Hội An vẫn giữ được sự quyến rũ của riêng mình, hội nhập một cách tự tin, chủ động, tự nhiên, như cuộc sống hằng ngày. Để biến mọi thứ trở thành tự nhiên, để những người nông dân trong mỗi ngôi làng, để mỗi người buôn bán trong phố cổ còn nguyên khí chất Hội An, chân chất, mộc mạc mà rất văn minh, cởi mở khi tiếp nhận các luồng văn hóa khác, có công rất lớn của Nguyễn Sự.

* Ông vừa nói đến khí chất của người Hội An? Phải chăng đó chính là “sản phẩm” quý hiếm nhất, chứ không chỉ là đèn lồng, phố cổ?

- Là người cởi mở, am hiểu văn hóa sâu sắc, hơn ai hết Nguyễn Sự ý thức được rằng chính cách sống, con người mới là cái vô giá để có thế “bán” được cho du khách. Đồng thời anh cũng luôn hiểu rằng giữ gìn phẩm giá, giữ gìn nếp sống, giữ gìn cái không khí thân quen, dễ chịu, gần gũi ấy quả thật rất khó vì nó rất mong manh, luôn phải đối diện với những vấn đề phức tạp của một thành phố du lịch.

Trong cơn lốc kinh tế thị trường, mọi thứ đều có thể bị phá vỡ, làm thế nào để từng người dân có ý thức giữ mình, biết được đó chính là “hàng hóa” có thể bán? Chỉ có bằng cách sống, cách ứng xử của chính người cầm quyền, và các chính sách hỗ trợ quyết liệt, bảo đảm cho người dân có thể sống một cách bình yên, kinh doanh trong môi trường bình yên, ngay trên mảnh đất của mình.

Từ chính sách giao đất, hỗ trợ kinh phí cho nông dân làng rau Trà Quế, những nghệ nhân làng mộc Kim Bồng, đến chính sách rõ ràng, không tơ hào, tư túi cá nhân với nhà đầu tư... Nguyễn Sự đã làm được một điều tưởng chừng không thể. Đó là giữ được Hội An như là một không gian trong lành, nuôi dưỡng con người, nuôi dưỡng thiên nhiên.

Theo dõi nhịp thở của đô thị cổ từng ngày, anh “đọc” được vì sao người dân đon đả với khách Tây nhiều hơn khách Nhật Bản, Trung Hoa. Vì khách Tây mua sản phẩm truyền thống của Hội An nhiều hơn. Từ đó, anh lập tức có những buổi trò chuyện với dân, nói cho dân hiểu thiệt hại sẽ lớn thế nào nếu mỗi người đánh mất sự hiếu khách của chính mình. Hãy sống đẹp, đó mới là sản phẩm của chính mình. Giải quyết những vấn đề văn hóa phải bằng những việc làm rất cụ thể như thế.

Giữ được Cù Lao Chàm không có bao nilông cũng là một công lớn của ông. Khác với Nha Trang khoét núi làm khách sạn, ông nhất quyết không cho xây khách sạn ở Cù Lao Chàm, mà cải tạo nhà dân để làm du lịch, cho du khách được sống cuộc sống của đồng quê ngay trong chính không gian nhà quê.

Nhờ việc dẹp nạn bao nilông, cũng không ngờ mấy năm sau san hô được phục hồi, mọc vào sát bờ đẹp vô cùng. Du khách đến đây được lặn biển ngắm san hô rất thích thú. Thì ra bao nilông trướcđây đã giết chết san hô.

Người truyền cảm hứng

* Được dân quý, dân tin có phải là sức mạnh lớn nhất đã giúp ông Sự làm được những việc như thế?

- Chuyện về ông Sự và Hội An thì nói suốt ngày dài đêm thâu không hết. Tôi không hiểu một con người gầy gò, bị huyết áp thấp, ăn rất ít lấy đâu ra nhiều năng lượng đến thế để lúc nào cũng xông xáo vào những nơi đầu sóng ngọn gió. Suốt mấy chục năm, một thành phố liên tục chịu bão lũ như Hội An mà không hề có một người chết vì bão lũ.

Ông là người chăm lo cho dân, xông ra giữa sông Thu Bồn cứu từng người dân. Có một lần lũ về, mấy người dân ngoài cồn vì tiếc đàn bò không chịu rời vào bờ. Chính ông Sự đã xông ra cồn hét lên: “Nếu mấy ông không chịu đi, tôi đạp hết đàn bò xuống sông bây giờ”. Nhờ thế mà cứu được dân.

Ở Hội An, dân có thể đến nhà chủ tịch bất cứ lúc nào, ông tiếp dân ở khắp mọi nơi. Điểm nổi bật nhất đây là ông quan rất liêm khiết. Ông cũng bảo đảm rằng toàn bộ cán bộ của mình không tơ hào một tấc đất của dân, dù nơi đây thu hút rất đông nhà đầu tư, với những dự án hàng ngàn tỉ đồng. Đó là “ngạc nhiên” lớn nhất.

Chuyện ông nghe lời dân hơn lời cấp trên là... thường xuyên. Tôi nhớ mãi ngày mẹ Nguyễn Sự mất, dân Hội An đi đưa cụ rất đông. Đám cưới của con trai, anh mời toàn bà con chòm xóm, không một quan chức, không một nhà kinh doanh.

Có doanh nhân giàu có cho người đến xin 12 tấm thiệp, anh từ chối thẳng: “Tôi mời ai là đem đến tận nhà, không phát giấy mời. Mời ông này ông kia mang phong bì đến mất công đi trả, mệt lắm”. Vừa rồi phải xây thêm một phòng cho con trai mà không có tiền, anh cũng lẳng lặng đi vay ngân hàng 70 triệu đồng...

* Là lãnh đạo có quan hệ rộng và thân thiết với nhiều nhà khoa học, văn hóa, giáo dục tâm huyết, đó có phải là cách để ông Sự làm giàu hơn cho tầm nhìn của mình mỗi ngày?

- Là người gắn bó sâu sắc với dân trong đời sống ngày thường, ông cũng là người thật sự thu hút được giới trí thức về trí tuệ và tâm hồn. Luôn nghĩ ngợi, tìm ra cách mới để giữ cái hồn phố cổ, ông chính là người truyền cảm hứng về Hội An cho mỗi chúng tôi khi có dịp tiếp xúc. Sức đọc của ông rất lớn và sâu nữa, lại còn làm thơ nữa đó. Dù rất khôn ngoan, quyền biến, nhưng luôn giữ được sự thật thà.

Có hai điều mà Nguyễn Sự không bao giờ sợ mất đó là tiền bạc và chức vị. Ở đời rất khó để không chịu sự chi phối của hai điều đó. Có lẽ nhờ thế ông giữ được sự cương trực, bản lĩnh, dũng cảm, đàng hoàng, giản dị của mình.

Ông Nguyễn Sự:

Tôi chỉ là người thực hành...

 

Ông Nguyễn Sự - Ảnh tư liệu
Tôi không phải là người làm văn hóa - nghệ thuật, nhưng lại được xét chọn để nhận giải thưởng Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh là một giải thưởng tôn vinh giá trị văn hóa. Tôi chỉ là một người thực hành, hằng ngày làm những việc cụ thể, cố gắng cho đúng và có ích xứng đáng với thành phố vô cùng yêu quý của mình.

 

Hội đồng xét trao giải thưởng giải thích rằng tác phẩm mà tôi được nhận giải là Hội An. Điều này làm tôi vừa thấy tự hào lại thấy trách nhiệm của mình càng nặng nề hơn. Hội An đúng là tác phẩm thật đẹp, song làm sao tôi lại dám coi tác phẩm ấy là của riêng mình.

Đối với cá nhân tôi, Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh có một giá trị rất lớn về mặt tinh thần bởi hội đồng giải thưởng đã xét và trao tặng cho cả một thế hệ người Hội An. Và tôi là một thành viên của thế hệ đó được thay mặt để nhận lãnh cả vinh dự và trách nhiệm giữ cho giá trị của “tác phẩm” Hội An trường tồn cùng năm tháng.

K.EM ghi

Điểm son và tiếng đờn tri âm

Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh vừa công bố danh sách giải thưởng được chọn năm 2011 tại buổi lễ tổ chức ở TP.HCM sáng 20-3, lễ trao giải sẽ diễn ra tại Hà Nội ngày 24-3.

Tại buổi công bố giải, trong số sáu cá nhân được giải có mặt GS Trần Văn Khê và dịch giả Nguyễn Văn Khoa. Được trao giải vì những đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu và quảng bá âm nhạc dân tộc Việt Nam ra thế giới, GS Trần Văn Khê xúc động bảo rằng giải thưởng lần này chính là “tiếng đờn Bá Nha lọt được vào tai Chung Tử Kỳ”. GS Khê cho rằng một giải thưởng hay cũng chính là tri âm của người được trao giải.

Giải dịch thuật năm nay trao cho dịch giả Nguyễn Văn Khoa - từng hơn 30 năm làm quản đốc thư viện Đại học Paris VIII và phụ trách giảng dạy tại khoa thông tin Đại học Paris VIII. Ông được trao giải vì đã chọn dịch Plato, với quyển Đối thoại Socratic 1: “Trong một lần về Việt Nam và đến thăm NXB Tri Thức, nói chuyện cùng anh Chu Hảo, tôi nhận ra rằng mình đã biết làm gì khi về hưu. Đó là đến với các tác phẩm của Plato”.

Với trường hợp đặc biệt của Giải Phan Châu Trinh năm nay khi trao giải “Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục” cho ông Nguyễn Sự, có mặt tại lễ công bố, GS Nguyễn Đăng Hưng cho rằng “đây là một điểm son nữa của Giải Phan Châu Trinh”.

LAM ĐIỀN

 

Tác giả bài viết: YẾN TRƯƠNG

Nguồn tin: Báo Lao Động