//

Vì khách hàng phục vụ

Thứ sáu - 29/07/2011 03:45

Ba mươi năm qua, cán bộ, công nhân viên Điện lực Hội An luôn đoàn kết, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Nâng sản lượng

Sau ngày giải phóng Quảng Nam - Đà Nẵng, Hội An không còn là thị xã tỉnh lỵ, song việc cấp điện vẫn được quan tâm từ rất sớm. Với lưới điện nhỏ lẻ, sản lượng khoảng 1,5 triệu kWh/năm, nhà máy đèn Hội An trở nên lạc hậu so với nhu cầu điện cho khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, để tăng cường năng lực quản lý, mở rộng khả năng cung ứng điện cho Hội An, ngày 3.8.1981, Công ty Điện lực 3 (nay là Tổng Công ty Điện lực miền Trung EVN CPC) quyết định thành lập Chi nhánh Điện Hội An, trực thuộc Sở Điện lực Quảng Nam - Đà Nẵng. Bấy giờ, chi nhánh được bổ sung thêm một số máy diezel, nâng sản lượng điện lên khoảng 3,5 triệu kWh/năm. Tuy nhiên, công suất của nhà máy không tăng thêm cho đến ngày Hội An nhận điện từ lưới điện quốc gia.

alt
Lưới điện ở phố cổ Hội An đã được ngầm hóa.                                          Ảnh: L.N.A

Tháng 4.1997, tỉnh Quảng Nam tái lập, Chi nhánh Điện Hội An thuộc quyền quản lý của Điện lực Quảng Nam. Đến lúc ấy, UBND tỉnh và ngành điện mới có điều kiện đầu tư tổng lực phát triển nhanh lưới điện toàn tỉnh, trong đó ưu tiên hơn cho Hội An, với vai trò là thành phố “Di sản văn hóa thế giới”. Nhờ vậy, Hội An là một trong những địa phương có 100% số hộ có điện lưới quốc gia từ rất sớm. Sản lượng điện cho công nghiệp, dịch vụ cũng tăng rất nhanh, đặc biệt là Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc và các khu du lịch, thương mại ven biển.

Dù lưới điện phát triển rất nhanh, nhưng do việc tạo vốn khó khăn, đầu tư “cuốn chiếu”, có vốn đến đâu làm đến đó, nên lưới điện chắp vá, sự cố nhiều, tổn thất lớn. Khu phố cổ chật hẹp, kết cấu lưới điện lại bất hợp lý nên không gian đô thị bị phá vỡ. Hơn lúc nào hết, Hội An đòi hỏi phải có một lưới điện đáp ứng yêu cầu kiến trúc, thẩm mỹ mới thu hút được du khách.

Phát triển đồng bộ, tiên tiến

Xuất phát từ yêu cầu thực tế, và đề nghị của lãnh đạo địa phương, từ năm 2005, EVN CPC đã đầu tư hơn 150 tỷ đồng từ nguồn vốn vay JIBIC để cải tạo, nâng cấp toàn bộ lưới điện thành phố. Khối lượng gồm: Xây dựng mới 8km đường dây và TBA 110kV; xây mới và cải tạo 78km đường dây 22kV, trong đó có 7,6km cáp ngầm; 170km đường dây 0,4kV, trong đó kéo mới 78,5km cáp ngầm; lắp đặt mới 11 TBA (3.260kVA), cải tạo 112 TBA (28.610kVA).

alt
Duy tu, bảo dưỡng mạng lưới điện ngoại ô.

Do đặc thù Hội An nằm ở vùng trũng, vào mùa mưa lũ thường dễ bị ngập lụt, nên khi triển khai dự án, EVN CPC chọn giải pháp đầu tư công nghệ tiên tiến, cáp ngầm trung, hạ áp chôn trong lòng đất. Các tủ, bảng điện hạ thế bằng composit được gắn cao trên tường nhà dân, đấu nối cho dây dẫn vào công tơ các hộ sử dụng điện.

Hiện nay, Điện lực Hội An quản lý, vận hành tổng khối lượng bao gồm 375km đường dây trung hạ thế và 196 TBA phụ tải. Trong vòng 30 năm, tăng sản lượng điện từ 1,5 triệu kWh năm 1981 lên 95 triệu kWh vào năm 2010, trong đó điện công nghiệp và dịch vụ chiếm 55%. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 1981-1996 là 12%, giai đoạn 1997-2011 hơn 16%/năm. Hiện tại, đơn vị đã bán điện trực tiếp hơn 27.000 khách hàng. Trong đó, hơn 1.466 cơ sở sản xuất công nghiệp, dịch vụ, với nhiều doanh nghiệp sử dụng điện lớn như: Công ty cổ phần Phước Thịnh, Công ty TNHH Indochina Resort, Khách sạn Victoria, DNTN Xuân Tiến, Công ty TMDV Cát Vàng ..., với giá điện bình quân 1.901 đồng/kWh (chưa tính thuế VAT).

Khu vực ngoại ô, cải tạo đồng bộ bằng lưới 22kV; các trụ điện, xà sứ, dây dẫn được lắp đặt ngay ngắn đúng quy chuẩn; có bố trí các máy cắt đóng lặp lại thuận tiện cho thao tác, giảm thời gian mất điện. Kết cấu lưới tăng cường từ 2 xuất tuyến lên 4 xuất tuyến, các xuất tuyến liên lạc với nhau tại nhiều vị trí bằng các dao cắt có tải. Hơn 34km đường dây và 40 trạm biến áp xuất tuyến 479 E153 nằm dọc ven biển, cũng đều tính toán đề phòng gỉ sắt và chằng chống ứng phó với bão.

Sau khi dự án JBIC hoàn thành đưa vào sử dụng, lưới điện Hội An đồng bộ và tiên tiến nhất tỉnh với tổn thất điện năng thấp nhất công ty. Riêng khu phố cổ được ưu tiên cấp điện kể cả lúc nguồn điện quốc gia thiếu hụt.

Đến Hội An hôm nay, điều dễ nhận thấy là ở khu phố cổ không còn thấy cảnh tượng lưới điện giăng mắc trên những trụ điện mốc thếch, cùng với xà sứ nghiêng ngả. Ở ngoại thành, hệ thống trụ điện, xà sứ mới toanh, dây bọc nhựa an toàn. Sự quan tâm của EVN CPC đã góp phần đổi thay bộ mặt thành phố, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ngay từ năm 2005, Điện lực Hội An đã tiến hành công tác tiếp nhận quản lý lưới điện hạ áp và tổ chức bán lẻ điện đến hộ dân nông thôn và vùng ven thành phố. Đến thời điểm này đơn vị đã bán lẻ điện đến 100% số hộ dân, vì vậy có điều kiện chăm lo cho chất lượng cấp điện, và giảm thiểu thời gian mất điện của khách hàng...

Chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn, nhất trong giai đoạn ngành điện đang thực hiện chuyển đổi mô hình, nâng cao năng lực quản lý, đổi mới phong cách làm việc. Với truyền thống của 30 năm xây dựng và trưởng thành, Điện lực Hội An sẽ vượt qua các khó khăn, thách thức mới để xây dựng điện lực ngày càng ổn định và phát triển theo hướng chất lượng, hiệu quả.

 

Tác giả bài viết: LÊ NGỌC ANH

Nguồn tin: www.zing.vn


 

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật